Sáng ngày 14/06/2024 (09/05/Giáp Thìn), đáp lại lời thỉnh mời của chư Tôn đức trong Ban chức sự Hạ trường; Thượng tọa Thích Linh Tấn, trụ trì tu viện Lộc Uyển, thành phố Melbourne, Australia, đã quang lâm về giảng đường chùa Vạn Thiện để chia sẻ pháp thoại; trong chuyến Phật sự ngắn ngày […]
Sáng ngày 14/06/2024 (09/05/Giáp Thìn), đáp lại lời thỉnh mời của chư Tôn đức trong Ban chức sự Hạ trường; Thượng tọa Thích Linh Tấn, trụ trì tu viện Lộc Uyển, thành phố Melbourne, Australia, đã quang lâm về giảng đường chùa Vạn Thiện để chia sẻ pháp thoại; trong chuyến Phật sự ngắn ngày tại Việt Nam.
Với lối giảng gần gũi, Thượng tọa giáo thọ cho biết hơn 2600 năm qua, đạo Phật đã gắn bó và đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của nhân loại. Sơ lược về lịch sử Phật giáo Ấn Độ, giáo thọ sư chia làm ba thời kỳ: Ở vào thời kỳ đầu, gọi là thời Vệ-Đà, tín ngưỡng của người Ấn Độ nghiêng về tế lễ, kính tin, thờ cúng các vị thần. Thời kỳ thứ hai là thời kỳ trí tuệ bùng phát, khoảng vào 500 năm TCN, khi đức Phật ra đời chuyển pháp luân và giáo lý tốt đẹp của Phật pháp được lan tỏa khắp trong và ngoài xứ Ấn Độ. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ tín ngưỡng, cầu nguyện, quần chúng biết đến Phật pháp rất đông dựa trên niềm tin; trong các lễ hội Phật giáo, người Phật tử thường tới chùa để cầu xin phước lộc và bình an nhưng chỉ dừng ở chỗ đặt niềm tin vào Phật pháp mà không dành nhiều thời gian đi sâu tìm hiểu về trí tuệ của nhà Phật.
Hành giả học Phật đã quen thuộc với câu nói được trích trong kinh Bát Đại Nhân giác:“duy tuệ thị nghiệp”, chỉ có trí tuệ mới chính là sự nghiệp giác ngộ, giải thoát của người học Phật. Vì thế niềm tin chỉ là giai đoạn đầu tiên, khi người Phật tử mới tiếp xúc để tìm hiểu Phật pháp; trong khi năm yếu tố căn bản cốt lõi của sự tu học là Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ.
Một số Phật tử có sự nỗ lực, tinh tấn học hỏi Phật pháp đã đi xa hơn trên con đường giác ngộ, tìm hiểu tường tận giáo lý trong tam tạng kinh điển bằng cách tìm thầy học đạo hoặc tự nghiên cứu. Riêng những ai đến với Phật pháp mà chỉ dựa vào niềm tin theo quán tính sẽ dễ bị lay động, rơi vào mê tín, di đoan hoặc hành xử cực đoan. Vì vậy, cần thiết hơn cả là sự dìu dắt, hướng dẫn, khuyến tấn của chư Tăng giúp người Phật tử sơ cơ củng cố niềm tin và phát triển chánh tín để đạt được lợi lạc lớn trên đạo lộ giải thoát của họ.
Người Phật tử nương tựa vào lời Phật dạy, nương tựa nơi chánh pháp, và khởi tâm cung kính với Tăng đoàn với niềm tin kiên cố, không lay chuyển; chính nhờ niềm tin bất hoại ấy mà thành tựu phạm hạnh, đạt được an vui, hạnh phúc đích thực.
Hãy học hỏi Phật pháp dựa trên nghi vấn và tìm hiểu để giải trừ nghi vấn! Giáo thọ sư khuyên thay vì tới đạo tràng để nghe quý chư Tôn đức giảng thuyết, sau đó tôn kính chỉ biết tiếp nhận, không có nghi vấn gì dẫn đến việc hành trì không đạt nhiều kết quả; hành giả học Phật trước nên tìm hiểu trong kinh luật luận và tìm tới chùa, tự viện, đạo tràng để có dịp tham vấn chư Tăng, xin giải nghi cho mình bằng cách đặt ra những câu hỏi liên quan đến sự tu tập, hành trì của bản thân, sau đó về tư duy thêm, sáng tạo hơn trong pháp học, pháp hành rồi đem áp dụng thiết thực trong đời sống thường nhật. Đó là đang đi trên lộ trình văn, tư, tu để dần dần thành tựu giới, định, tuệ.
Có rất nhiều người đến với đạo Phật, dành khá nhiều thời gian để nghe giảng, nhưng Phật pháp rộng sâu, pháp môn vô lượng, cách thuyết giảng đa dạng, nhiều hình thức quá, rồi khởi lên tâm niệm ai đúng, ai sai, nên nghe theo ai?
Trên các phương tiện truyền thông, có rất nhiều bài giảng hay, ý nghĩa, giá trị nhân văn cao, mang lại lợi ích lớn cho người học Phật; bên cạnh đó, một số bài giảng chưa hoàn hảo lắm, khiến có nhiều vấn đề xôn xao tranh cãi; nhưng nếu là một người có chánh tín, chánh kiến thì có khả năng lựa chọn điều gì cần thiết cho mình và đón nhận, cái nào không hay hãy cứ lướt qua và để lại trên internet không cần quan tâm tới. Tu học Phật pháp phải có bài bản, trình tự theo lộ trình văn, tư, tu chứ không chỉ học qua loa, đại khái mà có thể thâm nhập và thành tựu.
Nếu người học Phật mà vội tin bằng sự hiểu biết cạn cợt thì rất nguy hại cho chính mình. Chúng ta hãy y cứ theo những lời Phật dạy trong kinh Kalama để làm nền tảng xây dựng niềm tin:
“Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những nghi ngờ!…các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân…
Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình”…
Khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng! … khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; Các pháp này là không đáng chê; Các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này Kàlàmà, hãy tự đạt đến và an trú!”
Qua bài kinh Karama, đức Phật hướng đến tự do tín ngưỡng, tạo dựng niềm tin từ tư duy chơn chánh. Riêng trong kinh A-hàm cũng có một bài kinh tương tự, chỉ khác biệt ở chỗ Phật dạy nên tin tưởng giáo pháp của Phật nếu hành giả chưa có đủ tịnh trí, chưa hiểu nhân, quả, tội phước ba đời.
Đối với sự biến chuyển thăng trầm của thời thế, chư hành giả cần thực tập theo cái nhìn trên hiện tượng sinh diệt, quán chiếu nhân duyên đến rồi đi, để không quá đặt nặng đối với các hình tướng, sự việc bên ngoài mà sanh tâm không tốt…đảm bảo cho đời sống nhẹ nhàng hơn. Ví như dòng nước xoáy đang cuộn chảy xiết, nếu một người đứng trên cao, ngoài xa tự chủ được tình thế sẽ không bị cuốn vào; riêng ai thích phiêu lưu gần dòng xoáy ấy thì ắt hẳn không tránh khỏi sự cuốn lôi, nhận chìm.
Nói về Phật pháp ở phương Tây, giáo thọ sư cho biết sau đại dịch và các vấn đề xã hội khác, người phương Tây có nhu cầu cao về chữa lành tâm lý, để sống tích cực hơn, họ tìm đến đạo Phật để học phương pháp điều hòa tâm lý, khắc phục sự căng thẳng trong xã hội, làm giảm bớt đau khổ. Điều đó cho thấy niềm tin chơn chánh với đạo Phật rất cần thiết cho xã hội hiện đại đầy những sân hận và cá nhân. Nhưng bởi các chùa ở phương Tây hoạt động theo mô hình “nhất tăng nhất tự”, vị sư trụ trì phải kham hết Phật sự trong ngoài tự viện; khó khăn về nhân sự khiến chư Tăng không có nhiều thì giờ để nghiên cứu Kinh tạng. Vì vậy, Thượng tọa giáo thọ hoan hỷ đánh giá cao sự phát triển Phật pháp và hòa hợp tăng đoàn ở Việt Nam nói chung và đời sống tập trung của chư hành giả an cư tu học trong suốt ba tháng mùa mưa tại chùa Vạn Thiện nói riêng. Mong muốn Phật pháp phát triển vững chắc ở Việt Nam và lan tỏa sáng các nước phương Tây, ngõ hầu làm lợi lạc cho nhân loại.
Lộc Uyển Pháp Viện
183 Station Road
Deer Park VIC 3023
Australia
Email: [email protected]
Hội Phật Học Nalanda UK
Mã số: 1195038
83 Brookhill Road
Woolwich SE18 6 TT London
United Kingdom
Email: [email protected]