Lộc Uyển Pháp Viện

183 Station Road
Deer Park VIC 3023 Australia

Kinh Pháp Cú Câu Kệ 62

Phật tử: Diệu Tâm

“Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,       
Tự ta, ta không có,                 
Con đâu, tài sản đâu? “

“Puttā m’atthi dhanaṁ m’atthi,
Iti bālo vihaññati;
Attā hi attano natthi,
Kuto puttā kuto dhanam”. (62)

Đức Phật dạy câu Pháp Cú trên khi Ngài cư trú ở  Xá-Vệ (Sāvatthī),   câu truyện về ông chưởng khố Ananda . Ông Ananda sống ở Xá-Vệ, là một chưởng khố rất giàu có, nhưng ông rất là keo kiệt, không dám tiêu xài. Bản thân ông không hề bố thí hay cúng dường cho ai. Ông thường dạy cho những người thân và con trai Mulasiri ba điều rằng: tài sản đang có không bao giờ là đủ, là nhiều; nếu có cơ hội thì phải gom góp thu vào, cho dù là một xu nhỏ; và nhấn mạnh một điều quan trọng là có của đừng bao giờ cho ai, chuyện bố thí là vô ích, không cần thiết. Ông chỉ chỗ năm kho báu cho con trai ông  trước khi qua đời. Vua hay tin nên phong cho trai của ông là Mulasiri được làm chưởng khố. Do khi còn sinh tiền là người bỏn xẻn, keo kiệt, không giúp đỡ, bố thí cho ai, mà lại còn dạy cho người khác đừng bố thí, nên quả báo là ông bị tái sanh vào nhà ở một ngôi làng của Chiên Đà La, là giai cấp thấp nhất, nghèo nhất của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Từ khi bà mẹ mang thai ông, thì xóm làng chung quanh ai cũng bị túng thiếu, mức thu nhập kém hơn mọi ngày, (theo niềm tin của người Ấn thì khi trong làng đang sinh hoạt bình thường, bổng dưng có cái bất thường xảy ra thì họ nghi là có một kẻ vận rủi nào đã xuất hiện hoặc là đầu thai vào làng), nên họ chia nhóm ra để tìm, và cuối cùng thì tìm ra bà mẹ đang mang thai ông. Họ đuổi bà ra khỏi làng. Do nghiệp ác quá khứ nên từ lúc nằm trong bụng mẹ là ông đã gây ảnh hưởng đến gia đình và những người chung quanh.Bà mẹ từ khi mang thai thì vất vả lắm mới tìm được món ăn. Bà hạ sanh ra một cậu bé có hình hài thật xấu xí, quái dị và ghê sợ. Khi đi xin ăn, nếu bà dẫn đứa con theo thì hôm ấy bà chẵng nhận được gì,  còn nếu bà để cậu bé ở nhà thì hôm đó bà còn xin được chút ít. Hai mẹ con sống rất vất vả. Đến khi cậu bé lớn và có thể đi xin ăn được, bà trao bát cho con bảo tự đi xin ăn và kiếm sống vì bà không nuôi nổi cậu nữa. Cậu bé làm hành khất và vẫn luôn bị túng thiếu, lạnh lẽo, đói khát.Một ngày kia trên bước đường đi lang thang đi xin ăn, cậu đi ngang một ngôi nhà, mà kiếp trước cậu là chưởng khố Ananda. Tự nhiên do ký ức nghiệp quá khứ, cậu nhìn thấy từ cái cổng nhà, sân nhà đến bậc thềm, mái hiên.v.v.. cái gì cũng thấy quen, và từng bước, cậu đi sâu vào trong nhà, ghé vào từng phòng, từ cái bàn ghế, cậu đều thấy thân quen. Cậu đi một mạch đến gian nhà sau mà không một ai trông thấy, đi đến gian nhà thứ tư thì con của chưởng khố Mulasiri nhìn thấy người lạ mặt mũi xấu xí, hôi hám…., hoảng sợ nó khóc thét lên.  Gia nhân xúm nhau đuổi đi và quẳng cậu bé vào đống rác. Đức Phật đi khất thực ngang qua đó cùng với trưởng lão Ananda (thị giả của Đức Phật). Để trả lời thắc mắc của Ananda, Phật kể sự tình, và gọi chưởng khố Mulasiri đến. Phật chỉ cậu bé ăn xin và hỏi Mulasiri có biết là ai không. Mulasiri đáp rằng không biết, Phật nói đấy là cha của ngươi, nhưng do nhiều đời ông có thói quen bỏn xẻn không làm phước cho ai hết, không bố thí giúp đỡ cho người nào. Còn chuyện ông giàu có là do phước xưa ông đã có một lần tình cờ ông bố thí cho người khác thì bấy giờ ông được làm triệu phú, nhưng bản chất keo kiệt chấp thủ tài sản vẫn còn đó. Ông lại dạy người khác  không bố thí, nên ông ấy tái sanh là một người ăn xin nghèo khổ. Mulasiri không tin. Phật bảo cậu bé hãy chỉ ra năm kho tài sản của ngươi đi, cậu bé chỉ đúng. Mulasiri tin nhận, và quy y Phật. Nhân đây, Phật nói câu kệ :
Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy dòng sanh tử luân hồi cứ xoay vần thật đáng sợ thay. Do nghiệp báo nhiều đời sâu dầy, nên khi sanh ra, con người ai cũng thường  hay bị bám chấp vào cái “Tôi” và “Của Tôi”, tức cái “Ngã” và “Ngã Sở”, mà không biết rằng tất cả mọi vật đều là vô thường, đều sẽ hư hoại theo thời gian. Ta thử phân tích câu kệ:
Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Trong Phật Giáo, chữ ngu hay trí không định nghĩa theo văn bằng, học vị hay kiến thức cuả thế gian, mà là khả năng nhận thức được bản chất của cuộc sống qua trí tuệ chánh pháp. Nếu hiểu biết như thế thì là người trí, còn không thấy được chánh pháp thì gọi là người ngu. Đối với người ngu thì thường là những buồn vui trong cuộc sống của họ đều gắng liền với cái sở hữu, với ý niệm liên quan đến “Tôi” và “Của Tôi”. Những suy nghĩ chấp thủ về “Con tôi, tài sản của tôi” thường làm cho người ta đau khổ, lo âu dằn vặt vô cùng. Chữ tài sản ở đây không chỉ nói về tiền bạc, mà là nói đến những gì giá trị nhất đối với người đó, mà người đó có được và khư khư giữ để làm tài sản của mình. Ví dụ người A tích lũy tiền bạc, châu báo, người B thì có danh vọng, chức tước, người C thì có kiến thức, học vị, vv…. tất cả đều xem những thứ đó là tài sản của người đó. Một người nếu có sở hữu tài sản càng to  lớn thì nỗi đau khổ của người đó càng nhiều.
Tất cả những gì mà con người có được trong cuộc sống, dù là tinh thần hay vật chất, đối với người không hiểu chánh pháp, thì tất cả những thứ đó được xem là “Con tôi, tài sản tôi”. Ngày nào mà ta còn ôm ấp, lo âu, nặng lòng với những thứ đó thì là tự mình còn khổ, còn đi mãi loanh quanh ở trong vòng sanh tử luân hồi. Trong kinh Phật có dạy rằng tất cả tài sản thế gian là của năm nhà. Thứ nhất là bị lửa cháy, bị nước cuốn trôi là tai họa thứ hai. Bị trộm cướp lấy mất là nạn thứ ba. Thứ tư là bị vua quan tịch thu. (Ngày xưa thời phong kiến thường xảy ra nạn này. Vì lý do nào đó, một khi vua quan ra lệnh tịch thu thì bao nhiêu tiền của đều bị mất hết). Họa thứ năm là bị con hư tiêu phá. Đức Phật còn dạy, mỗi cá nhân nên chia số tiền mình kiếm được thành bốn phần. Một phần chi tiêu đời sống hàng ngày, một phần để kinh doanh và đầu tư sinh lời, một phần cất giữ phòng hộ khi ốm đau hoặc có chuyện khẩn cấp,  và một phần nữa để bố thí, cúng dường. Theo Đức Phật, chỉ cần 1/4 số tiền kiếm được, con người đã có một cuộc sống tạm ổn. Tiếp đến là câu:
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?
Con người sống chỉ là một hơi thở ra vào, không thể nào không chết, đó là quy luật vô thường mà không ai tránh khỏi. Một khi vô thường đến, tự thân ta còn không giữ được, thì huống gì những vật ngoài thân như là con cái và tài sản. Đức Phật đã từ bi dạy cho chúng ta câu kệ này, là bài học để ta biết tu tập, thực hành hạnh bố thí là hạnh hàng đầu, để tập buông xã, không bám chấp vào “thân ta”, hay “của ta”, hiểu những vật hiện hữu chỉ là giả tạm, thân này cũng là sự vay mượn để cho ta tu tập đến bờ giải thoát.
Cho nên người hiểu đạo, biết Chánh Pháp thì chỉ cầu tu Phước và Huệ là đã đi đúng con đường mà Phật dạy thì sẽ không bị ưu não ngay ở cuộc sống hiện tại và đời sau.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Diệu Tâm.

Hội Phật học Nalanda được Thượng Tọa Thích Linh Tấn thành lập năm 2012 tại London, Anh, để tạo nơi tu học và thực hành giáo Pháp Phật cho Phật tử. Sau khi lập đạo tràng tại Anh, Thầy trở về Úc hoằng Pháp. Năm 2014, Thầy thành lập Lộc Uyển Pháp Viện tại Deer Park, Victoria, đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử Úc. Lộc Uyển Pháp Viện là chỗ nương tựa vững chắc cho Phật tử thực hành thiền định, tụng kinh, giảng dạy, làm Phật sự và tổ chức các đại lễ Phật giáo.

Lộc Uyển Pháp Viện

183 Station Road

Deer Park VIC 3023

Australia

Email: [email protected]

 

Hội Phật Học Nalanda UK

Mã số: 1195038

83 Brookhill Road

Woolwich SE18 6 TT London

United Kingdom

Email: [email protected]

© 2025 Lộc Uyển Pháp Viện. All rights reserved.
Hội Phật học Nalanda được Thượng Tọa Thích Linh Tấn thành lập năm 2012 tại London, Anh, để tạo nơi tu học và thực hành giáo Pháp Phật cho Phật tử. Sau khi lập đạo tràng tại Anh, Thầy trở về Úc hoằng Pháp. Năm 2014, Thầy thành lập Lộc Uyển Pháp Viện tại Deer Park, Victoria, đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử Úc. Lộc Uyển Pháp Viện là chỗ nương tựa vững chắc cho Phật tử thực hành thiền định, tụng kinh, giảng dạy, làm Phật sự và tổ chức các đại lễ Phật giáo.
© 2025 Lộc Uyển Pháp Viện. All rights reserved.