Lộc Uyển Pháp Viện

183 Station Road
Deer Park VIC 3023 Australia

Kinh Pháp Cú Câu Kệ 76

Phật tử: Diệu Tâm

Chương 6  BẬC HIỀN TRÍ – PAṆḌITA VAGGA

Tích truyện Đại Đức Rādhattheravatthu (Rādha)

Verse 76   NÊN THÂN CẬN BẬC HIỀN TRÍ

VietnamesePali
Khi gặp bậc hiền trí,
Chê trách và chỉ lỗi,
Xem như chỉ kho tàng,
Nên thân bậc trí ấy.
Sự thân cận như vậy
Là tốt, không phải xấu.
Nidhīnaṃ’vapavattāra,
Yaṃ passe vajjadassinaṃ;
Niggayhavādiṃ medhāviṃ,
Tādisaṃ paṇḍitaṃ bhaje;
Tādisaṃ bhajamānassa,
Seyyo hoti na pāpiyoti.

Tích truyện:

Đức Thế Tôn đã thuyết bài kệ trên khi Ngài an ngự tại Kỳ Viên, (Jetavana), đề cập đến ông Rādha.

Rādha lúc còn ở tại gia là một người Bà-la-môn lớn tuổi, nghèo khó.  Ông đã xin đến ở tinh xá để làm công quả, phụ giúp chư Tăng trong các việc lặt vặc và có ý định rằng nếu có vị tỳ kheo nào chịu thâu nhận, ông sẽ nương theo vị thầy đó để xuất gia tu tập. Chư Tăng đối xử với ông rất tử tế nhưng không ai nhận ông làm đệ tử, vì thế nên ông rất buồn.

Một hôm, Đức Phật quán sát thế gian thấy ông Rādha có đủ căn lành và sẽ đắc quả A-La-Hán, nên chiều hôm ấy, Phật đi kinh hành, dừng đến chỗ ở của ông và hỏi về công việc thường nhật. Ông Rādha đáp rằng ông được đối xử tử tế nhưng chư Tăng không nhận cho ông xuất gia.

Nhân dịp nầy, Phật triệu tập Tăng chúng và hỏi về vấn đề người Bà-la-môn, là có ai nhớ đến một hay những việc làm tốt thiện của ông ta không. Ngài Xá-Lợi-Phất (Sāriputta) bạch Phật rằng khi Ngài đi khất thực ở thành Vương Xá, ông Rādha đã cúng dường cho Ngài một muỗng đầy thức ăn của chính ông ấy. Và để tỏ lòng biết ơn, Ngài Xá Lợi Phất đã thâu nhận ông Rādha vào Tăng đoàn. 

Ông Rādha luôn luôn tìm cơ hội học hỏi và tận lực chuyên cần theo lời dạy của thầy nên sớm đắc quả A-La-Hán. Ðức Phật đề cập đến tinh thần hiếu học, lúc nào cũng sẵn sàng sửa những lỗi của mình và kêu gọi các vị tỳ kheo noi theo gương của ông Rādha.

Phân tích 

Câu truyện trên cho chúng ta thấy một hình ảnh thật cảm động về một vị Bà-la-môn nghèo, lớn tuổi nhưng rất ưa thích đời sống trong chùa, thân cận với chư Tăng và rất tha thiết với việc xuất gia tu học, nhưng chư tỳ kheo không ai dám nhận ông vào Tăng đoàn.

Đây cũng là điều dễ hiểu và thông cảm với các chư Tăng, bởi người xưa thường có câu thành ngữ “Tre non dễ uốn”. Ông Bà-la-môn này đã sống ngoài đời một thời gian khá dài, đã huân tập nhiều thói quen ở thế gian, khó mà thay đổi, đồng thời, ông đáng được gọi là bậc cha, chú, nên các tỳ kheo nghĩ là sẽ khó để dạy bảo, uốn nắn.

Đức Phật với tâm từ bi như cha mẹ đối với con cái, thấy ông Rādha tuổi cao sức yếu nhưng có chí tu học, nếu được vị thầy hiền trí dạy bảo sẽ đắc Thánh quả, nên đã tạo duyên lành để ông được Ngài Xá-Lợi-Phất thâu nhận làm đệ tử.

Không phải những ai có kiến thức rộng, có học vị cao đều được Đức Phật tán thán là bậc hiền trí. Chữ “hiền trí” ở đây Đức Phật muốn nói đến là những giới đức, sự từ bi và trí tuệ của vị ấy.

Ở đây ta thấy công hạnh của bậc đại đệ tử của Đức Phật, Tôn Giả Xá-Lợi-Phất. Ngài được tôn xưng là vị Thượng thủ Thanh văn, trí tuệ đệ nhất, biện tài vô ngại. Ngài có thái độ khoan dung với kẻ đã vu oan nói xấu  Ngài, Ngài nguyện sẽ như là đất, dung chứa tất cả những dơ xấu mà người đời thường ban cho đất. 

Ngài là một người nhận lấy trọng trách lớn lao là giáo dục Tăng chúng. Phẩm trước đây, ta thấy hình ảnh của một vị trưởng lão Xá-Lợi-Phất nhận một đệ tử nhỏ 7 tuổi vào trong hội chúng để chăm sóc, giáo dục, đi khất thực,  tập làm quen với những công việc trong chùa v.v…,  và trong phẩm này, với vị lớn tuổi xuất gia,  các tỳ kheo khác lấy làm ái ngại không dám nhận, thì Tôn Giả Xá-Lợi-Phất đã mở lòng thu nhận để hướng dẫn vị Bà-la-môn này, chỉ đơn giãn vì Ngài là người thọ ơn và nhớ ơn, bất kể là lớn hay nhỏ. Đây cũng là hạnh quý báo của Ngài, mà chúng ta cần nên học hỏi.

Ông Rādha rất may mắn khi được Ngài Xá-Lợi-Phất là Thầy của mình, ông cũng biết rằng mình đã lớn tuổi,  nên ông thật sự rất nổ lực tinh tấn, nhất nhất đều tuân theo sự dạy bảo của Sư Phụ. Ông đã đẹp bỏ được bản ngã của mình, rất mềm mỏng, không hề tỏ ra nóng giận mỗi khi bị chỉ trích dầu là phạm lỗi nhỏ, những gì Thầy bảo làm, thì ông làm, bảo không nên làm, thì ông không làm. Nhờ sự tinh cần, không lâu sau đó, ông đã chứng A-la-hán.

Chúng con còn là những phàm phu, tâm tính chưa được thuần thục, rất dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, vậy không nên gần gũi những kẻ không thiện lành. 

Rất may mắn là các vị Tổ đã để lại những lời nhắc nhở và khuyên dạy, như bài văn sau đây của thiền sư Quy Sơn Linh Hựu trong quyển “Quy Sơn Cảnh Sách Văn”:

Hán-Việt:

Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn. Cố vân, sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu. Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận. Hiệp tập ác giả, trưởng ác tri kiến, hiểu tịch tạo ác, tức mục giao báo, một hậu trầm luân, nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục. 

Việt dịch:

Đi xa phải có bạn hiền, thường giữ cho tai mắt được trong sạch. Trú ngụ phải chọn cùng người tốt, thường nghe những việc chưa nghe. Cho nên nói: “Sinh ta ra là cha mẹ, giúp ta thành người là bạn hữu.” Được gần người hiền như đi giữa đám hơi sương, tuy không ướt áo nhưng lúc nào cũng được ẩm mát. Gần kẻ ác thì nuôi lớn thêm điều ác trong chỗ thấy biết; sớm tối làm việc ác liền phải chịu lấy quả báo trước mắt. Sau khi chết rồi phải chịu chìm đắm; thân người một khi mất đi, muôn kiếp khó lòng được lại.

Nhà triết học Tuân Tử có dạy rằng: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”.

Qua bài kinh Pháp Cú này, chúng con được học những lời dạy bảo vô cùng quý báo của Đức Phật, của các vị Tổ, để áp dụng trong đời sống của chính mình. Vậy nên chúng con sẽ cố gắng sáng suốt gần gũi bậc thiện trí để học hỏi, tu tập, không phải uổng phí cuộc đời làm người ngắn ngủi này.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hội Phật học Nalanda được Thượng Tọa Thích Linh Tấn thành lập năm 2012 tại London, Anh, để tạo nơi tu học và thực hành giáo Pháp Phật cho Phật tử. Sau khi lập đạo tràng tại Anh, Thầy trở về Úc hoằng Pháp. Năm 2014, Thầy thành lập Lộc Uyển Pháp Viện tại Deer Park, Victoria, đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử Úc. Lộc Uyển Pháp Viện là chỗ nương tựa vững chắc cho Phật tử thực hành thiền định, tụng kinh, giảng dạy, làm Phật sự và tổ chức các đại lễ Phật giáo.

Lộc Uyển Pháp Viện

183 Station Road

Deer Park VIC 3023

Australia

Email: [email protected]

 

Hội Phật Học Nalanda UK

Mã số: 1195038

83 Brookhill Road

Woolwich SE18 6 TT London

United Kingdom

Email: [email protected]

© 2025 Lộc Uyển Pháp Viện. All rights reserved.
Hội Phật học Nalanda được Thượng Tọa Thích Linh Tấn thành lập năm 2012 tại London, Anh, để tạo nơi tu học và thực hành giáo Pháp Phật cho Phật tử. Sau khi lập đạo tràng tại Anh, Thầy trở về Úc hoằng Pháp. Năm 2014, Thầy thành lập Lộc Uyển Pháp Viện tại Deer Park, Victoria, đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử Úc. Lộc Uyển Pháp Viện là chỗ nương tựa vững chắc cho Phật tử thực hành thiền định, tụng kinh, giảng dạy, làm Phật sự và tổ chức các đại lễ Phật giáo.
© 2025 Lộc Uyển Pháp Viện. All rights reserved.